* Lưu ý: Tác dụng của sản phẩm sẽ dựa trên cơ địa của từng người
Cấu trúc xương lành mạnh của sống hàm duy trì hình dáng mô mềm thẩm mỹ xung quanh hàm răng tự nhiên và tạo ra bộ khung nâng đỡ hình dáng bên ngoài của mô mềm quanh implant.
Thiếu xương ổ, đặc biệt ở hàm trên do sự tiêu xương sau nhổ răng, có thể dẫn đến các vấn đề về chức năng và thẩm mỹ; các vấn đề này cần sử dụng các thủ thuật gia tăng thể tích để tái lập các chiều hướng nguyên thủy quanh răng mất. Kỹ thuật tái tạo xương đã làm tăng đáng kể khả năng tái tạo chức năng và thẩm mỹ của implant nha khoa bằng việc phục hồi các khiếm khuyết sống hàm trở lại kích thước nguyên thủy của nó, điều này giúp cho việc đặt implant đạt kết quả tối ưu và làm tăng độ tin cậy của liệu pháp implant và được xem là 1 phương thức hỗ trợ điều trị đáng quan tâm.
Tái cấu trúc xương ở vùng sống hàm có thể được phân loại theo kết quả đạt được, cả về chức năng và thẩm mỹ. Jovanovic đã phân chia các vị trí trong khoang miệng thành các vị trí liên quan đến thẩm mỹ – đòi hỏi phải có đủ cấu trúc xương (xương nâng đỡ mô mềm quanh implant để hình thành hình dạng cong lồi tự nhiên) giúp đạt được kết quả thẩm mỹ và chức năng, và vùng không liên quan đến thẩm mỹ- vị trí đòi hỏi có đủ xương nâng đỡ để bảo đảm thành công về mặt chức năng trong thời gian dài.
Cấu trúc xương bên dưới ảnh hưởng đến hình dạng và vẻ ngoài của mô mềm xung quanh. Không may là ở vùng phía trước hàm trên cấu trúc xương ổ trải qua quá trình tiêu ngót nhanh chóng sau nhổ răng. Nó mất khoảng 25% thể tích trong năm đầu tiên và mất đến 40-60% chiều rộng trong 3 năm đầu sau khi mất răng. Vì vậy, nhiều kỹ thuật tái tạo xương đã được giới thiệu giúp phục hồi các khiếm khuyết sống hàm. Việc phục hồi thể tích mô cứng bên dưới đã mất có thể thực hiện trước khi hoặc đồng thời với đặt implant, điều này giúp duy trì và nâng đỡ không chỉ phục hình nâng đỡ trên implant thẩm mỹ mà còn nâng đỡ các cấu trúc vùng mặt liên quan.
Những thay đổi trong kiểu tiêu xương ổ hàm trên đòi hỏi các phương thức xử lý khác nhau; kích thước và từng loại khiếm khuyết xương cụ thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thủ thuật ghép thích hợp nhất. Ví dụ, các khiếm khuyết sống hàm nhỏ gợi ý sử dụng vật liệu ghép đồng thời với thủ thuật đặt implant; trong khi các khiếm khuyết sống hàm theo chiều ngang ở mức độ trung bình đòi hỏi việc sử dụng thủ thuật ghép có khả năng tiên lượng kết quả tốt hơn như ghép xương tự thân theo phương thức hỗ trợ điều trị từng giai đoạn như ghép xương trước khi đặt implant. Trong trường hợp khiếm khuyết sống hàm theo chiều dọc và chiều ngang nghiêm trọng, cần sử dụng các công cụ tái tạo phức tạp hơn sao cho có thể tiên lượng được kết quả ghép xương tốt hơn.
Có nhiều ưu điểm về công nghệ trong các thủ thuật ghép xương trong miệng. Một trong những tiến bộ hiện nay trong kỹ thuật ghép xương liên quan đến việc sử dụng các protein tạo dạng xương (BMPs-Bone Morphogenetic Proteins), như BMP-2, có khả năng kích thích quá trình tạo xương và làm tăng mật độ xương qua quá trình tiêu và tái cấu trúc chậm. BMP-2 giúp gia tăng quá trình phân bào của tế bào mầm tại chỗ để lôi kéo các tế bào trung mô không biệt hóa vào vùng ghép. Các tế bào này có thể được chuyển thành nguyên bào xương, bằng sự phân bào tạo hình thái phù hợp, và bắt đầu quá trình tạo thành khung xương. Quá trình này được gọi là cơ chế tạo hình phân bào đa dạng nhằm kích thích lành thương mô xương. Nó có thể trở thành thủ thuật ghép xương lý tưởng trong tương lai gần.
Các ưu điểm của kỹ thuật cũng đã đưa vào qui trình sản xuất các loại màng tái tạo xương có hướng dẫn, các ưu điểm này đã được tập trung chủ yếu vào việc nâng cao các đặc tính sinh lý và tương hợp sinh học của vật liệu màng ngăn. Trên thị trường hiện nay có cả loại màng tự tiêu và không tự tiêu. Sử dụng màng tự tiêu không cần thêm phẫu thuật để tháo bỏ màng ngăn và cho thấy ít có phản ứng mô hơn do bản chất sinh học của loại vật liệu này. Màng ngăn không tự tiêu có thể tồn tại lâu hơn tại vị trí che chở mô ghép, nhờ vậy nó cho hiệu quả ghép xương tốt hơn; tuy nhiên nó cần phải thực hiện thêm một lần phẫu thuật để tháo bỏ màng. Tuy nhiên, y văn không cho biết rõ loại nào cho phép tiên lượng kết quả tốt hơn. Việc chọn lựa loại màng tái tạo xương có hướng dẫn nào nên tùy thuộc vào sự hiểu biết rõ các lợi ích của chính vật liệu màng và giới hạn của vật liệu liên quan đến các yêu cầu chức năng đối với ứng dụng lâm sàng đặc biệt.
Ghép xương tự thân trong bất kỳ thủ thuật tái tạo nào cũng được xem là tiêu chuẩn vàng đối với các thủ thuật ghép xương, vì nó cung cấp các protein như các chất nền gia tăng lượng xương, các chất khoáng, và tế bào xương còn sống cho vị trí ghép, qua đó nâng cao thành công toàn bộ thủ thuật ghép xương, dẫn đến tỉ lệ thành công cao. Các vị trí lấy xương tự thân dùng ghép xương ổ có thể là trong hoặc ngoài miệng. Các vị trí lấy xương ngoài miệng gồm xương mào chậu, xương chày, xương sườn, xương sọ; tuy nhiên việc lấy xương ngoài miệng thường gây ra các tình trạng tổn thương thêm ở vùng lấy xương và đòi hỏi phẫu thuật phức tạp. Mặt khác, các vị trí trong miệng như ở vùng lồi củ, góc hàm, đặc biệt ở vùng cằm thường cho chất lượng xương tốt hơn và kết quả hậu phẫu dễ tiên lượng hơn.
Gần đây, vào năm 1998, tạo xương do sử dụng dụng cụ kéo xương đã được giới thiệu như là 1 phương pháp hứa hẹn phục hồi sống hàm khiếm khuyết trở lại hình dạng và kích thước nguyên thủy. Kỹ thuật này đã được thực hiện trong các phẫu thuật chỉnh hình, nó được dùng để kéo dài xương ống ở trẻ em, và hiện nay được dùng để phục hồi tình trạng teo sống hàm trầm trọng. Nó loại bỏ việc phẫu thuật lấy xương và giảm nguy cơ bệnh tật so với thủ thuật ghép tự thân.
Việc chọn kỹ thuật hoặc vật liệu ghép thích hợp ảnh hưởng đến thành công và và khả năng tiên lượng kết quả sau cùng. Kích thước và loại khiếm khuyết và tình trạng sức khỏe toàn thân là một số yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định thực hiện thủ thuật ghép xương.